Home Điện - Điện tử

Phần mềm sử dụng trong thiết kế mạch điện tử

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều phần mềm vẽ mạch điện tử với đầy đủ các tính năng hỗ trợ cho người làm chuyên môn. Tuy nhiên, không phải phần mềm nào cũng dễ sử dụng. Mỗi một phần mềm có những ưu nhược điểm riêng và phù hợp với từng đối tượng khác nhau. Dưới đây là một số loại phần mềm thường được sử dụng trong quá trình thiết kế mạch điện – điện tử:


1. Eagle
2. Altium Designer
3. Proteus
4. OrCAD
5. KiCad

1.Eagle
EAGLE (Easily Applicable Graphical Layout Editor) là một phần mềm vẽ mạch điện tử và thiết kế mạch in được phát triển bởi CadSoft Computer GmbH của Đức do Rudolf Hofer và Klaus-Peter Schmidiger tạo ra vào năm 1988. Công ty được Farnell mua lại vào năm 2009 và Autodesk vào năm 2016.
Phần mềm này đã được sử dụng bởi nhiều công ty lớn và rất hữu ích đối với những người đang theo học hay làm việc trong ngành điện tử, tự động hóa, cơ điện tử, …
Eagle được đánh giá rất cao về khả năng thiết kế mạch điện tử nhờ một giao diện đẹp và dễ sử dụng. Phần mềm này gồm có 2 phiên bản: trả phí (Standard và Premium) và miễn phí dành cho sinh viên, giáo viên và trường học.
>>> Các tính năng chính của phần mềm Autodesk Eagle:
- Nhanh chóng kiểm tra ý tưởng thiết kế của bạn và xác nhận hiệu suất mạch với bộ hoàn chỉnh các phương pháp mô phỏng SPICE.
- Kéo và thả các khối thiết kế có thể tái sử dụng giữa các dự án của bạn, hoàn chỉnh việc thiết kế với sơ đồ nguyên lý và mạch in PCB được đồng bộ hóa.
- Sắp xếp và đặt vị trí chính xác cho các đối tượng khi thiết kế PCB với một bộ công cụ căn chỉnh hoàn chỉnh.
- Định tuyến layout cho các mạch in PCB phức tạp và di chuyển xung quanh bản thiết kế để dễ dàng đưa đường mạch đến đích.
- Các mô hình 3D chính xác cho phép việc thiết kế PCB chuẩn xác ngay lần đầu tiên.
- Thư viện thành phần liên kết trực tiếp với nhà sản xuất, vì vậy bạn có thể dễ dàng tìm sản phẩm thay thế.
Phần mềm Eagle
2. Altium Designer:
Altium Designer là phần mềm mô phỏng mạch điện tử được in bởi bảng mạch in. Đây là phần mềm vẽ mạch điện công nghiệp nổi tiếng và chuyên nghiệp được phát triển bởi Altium Limited – Úc, hiện nay Altium Designer rất phổ biến ở Việt Nam.
Phân mềm Altium Designer
>>> Các tính năng chính của Altium Designer:
- Giao diện thiết kế, quản lý và chỉnh sửa khá thân thiện, cho phép người dùng thực hiện các thao tác chỉnh sửa và quản lý file trên phần mềm dễ dàng.
- Cung cấp nhiều chức năng giúp hỗ trợ việc thiết kế tự động, đi dây dựa trên thuật toán và nhu cầu của người dùng.
- Mở, xem và in các file thiết kế mạch dễ dàng với đầy đủ các thông tin linh kiện, netlist, dữ liệu bản vẽ, kích thước, số lượng…
- Cung cấp một hệ thống thư viện với đầy đủ các linh kiện và thiết bị điện cần thiết cho việc thiết kế bản vẽ mạch điện.
- Dễ dàng chỉnh sửa các item dựa trên lớp cơ khí. Có thể tuỳ chỉnh các lớp mạch in khi nhu cầu của người dùng có thay đổi.
- Hỗ trợ tính năng mô phỏng 2D, 3D trên mạch PCB nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm trung thực nhất trong không gian 2 chiều cũng như 3 chiều.
- Hỗ trợ thiết kế PCB sang FPGA và ngược lại.

3. Proteus:
Phần mềm Proteus được biết đến là phần mềm vẽ, mô phỏng mạch điện tử, được phát triển bởi công ty Lacenter Electronics. Phần mềm này là một công cụ rất hữu ích cho các giảng viên và sinh viên trong việc giảng dạy, học tập và cả cho những người yêu thích điện, điện tử.
Tính năng được yêu thích nhất của Proteus chính là có thể mô phỏng hoạt động của những mạch điện tử, cụ thể là thiết kế mạch và mô phỏng các chương trình được viết cho các loại vi điều khiển như 8051, AVR, PIC, Arduino, …
Phần mềm Proteus
Phần mềm này bao gồm 2 chương trình: ISIS (Intelligent Schematic Input System) cho phép vẽ và mô phỏng mạch điện tử và ARES (Advanced Routing and Editing Software) dùng để vẽ mạch in.
>>> Các tính năng chính của phần mềm Proteus:
- Vẽ sơ đồ nguyên lý: Người dùng có thể dễ dàng vẽ sơ đồ nguyên lý mạch điện của mình từ những linh kiện lấy từ thư viện của phần mềm và kết nối các linh kiện này lại với nhau tuỳ theo mục đích sử dụng.
- Chức năng mô phỏng: Giúp người dùng phân tích các kết quả từ sơ đồ nguyên lý thiết kế là đúng hay sai. Việc này sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian cũng như chi phí phát sinh khi có sai sót.
- Thiết kế mạch PCB – Print Circuit Board: Cho phép người dùng tự thiết kế các mạch in PCB hoặc Proteus có thể hoàn thành quá trình này giúp chúng ta.

4. OrCAD:
OrCad là một phần mềm vẽ mạch điện tử chuyên dụng rất mạnh với giao diện đơn giản, dễ sử dụng. Bạn có thể vẽ mạch nguyên lý với OrCAD Capture, chạy mô phỏng với Pspice. Bộ công cụ vẽ mạch in OrCad Layout rất mạnh là một điểm mạnh vô cùng lớn của phần mềm này. Ngoài ra, phần mềm sở hữu bộ thư viện linh kiện điện tử khổng lồ từ hầu hết các nhà sản xuất trên thế giới cung cấp cho OrCAD.
Phần mềm OrCad
Phần mềm OrCad đã có mặt trên thị trường từ rất lâu và được nhiều người tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, phần mềm này hỗ trợ khá nhiều tính năng khác nhau do vậy chúng trở nên khá nặng nề khi sử dụng, đòi hỏi máy tính phải có cấu hình mạnh. OrCad cũng là một phần mềm trả tiền với mức giá cao.
>>> Những ưu điểm nổi bật của phần mềm OrCad:
- Có khả năng rất mạch trong việc vẽ mạch in bằng bộ công cụ OrCAD Layout.
- Chọn các linh kiện và thiết lập thông số dễ dàng.
- Giao diện đơn giản, dễ sử dụng.
- Bộ thư viện với nhiều loại linh kiện khác nhau, đầy đủ thông tin chi tiết.
- Mô phỏng được các mạch điện tử tương tự và số

5. KiCad
KiCad là phần mềm vẽ mạch in miễn phí, thiết kế sơ đồ điện và board mạch in, mở file Gerber và tạo netlist miễn phí. Phần mềm hoạt động đa nền tảng và cung cấp khá nhiều tính năng hữu ích cho nhà thiết kế kỹ thuật.
Phần mềm KiCad
>>> Những tính năng chính của phần mềm KiCad:
- Hỗ trợ thiết kế sơ đồ điện tử và bảng mạch in
- Tích hợp trình chỉnh sửa sơ đồ mạch
- Thực hiện các kiểm thử để kiểm tra tính hợp lý của mạch
- Hỗ trợ xem hình 3D
- Mở file Gerber và xây dựng netlist
- Hỗ trợ đăng tải file NET và lưu dự án thành file ZIP